Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Món ngon quê nhà

Tương tư canh bầu xứ Huế

Tương tư canh bầu xứ Huế Canh bầu kiểu Huế phải ăn chung với ớt xanh và chén nước mắm. Cái món bình dân này vì thế mà cứ ngon thấu đến tận lòng.

Tôi không phải là người sành ăn, nhưng lại rất thích ăn. Cứ cuối tuần, tôi lại chạy qua nhà mấy ông anh quen biết để… ăn ké. Có người quê ngoài Bắc, có người thì Trung, ở Nam, đủ cả. Vì thề tôi được ăn nhiều món lạ khắp các vùng miền, có khi đó là đặc sản. Tuần rồi tôi sang nhà người anh quê ở Huế, lần này đích thân anh xuống bếp và làm tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên không phải vì anh biết nấu ăn, mà vì cái món canh bầu kiểu Huế làm tôi nhớ mãi.

Ngẫm ra ở Sài Gòn này mua được trái bầu vừa non lại tươi thật khó. Thế mà anh vẫn kiếm được một trái bầu còn non, xanh mướt. Ở nhà mẹ tôi thường nấu canh bầu với cá trê nên tôi lay hoay tìm cá để làm giúp anh. Thấy vậy anh cười bảo: “Canh bầu kiểu Huế chỉ nấu với ruốc thôi chú ơi!”. Thì mỗi nơi nấu mỗi khác, cái thứ bầu bí bình dân này nấu với thứ gì chả được. Chắc gì đã ngon hơn tô canh tôi vẫn ăn ở nhà! Nhưng rồi cái suy nghĩ hời hợt của tôi đã không giữ được lâu.



Anh đem bầu ra xắt sợi nhỏ, con ruốc thì rửa sơ để ráo nước. Bắc nồi nước lên anh cho ruốc vào luôn, nước vừa sôi nhào thì anh cho bầu vào. Kế đến nêm muối, bột ngọt rồi thêm hành lá và bắc xuống. Anh bảo không nêm đường vì nước canh bầu đã ngọt sẵn và người Huế không ăn món ăn nêm đường.

Khi lên mâm cơm, tôi háo hức nếm thử xem hương vị món này thế nào, và so sánh với món canh bầu tôi vẫn ăn. Chà! Nấu đơn giản thế mà vẫn ngon thật. Vẫn ngọt và mát đến… đổ mồ hôi vì tính tham ăn của tôi. Chẳng những không lạt mà cũng ngọt không thua kém gì khi nấu với cá trê, tép bạc. Cái mùi con ruốc lạ lạ mang nét đặc trưng riêng của xứ Huế thật đặc biệt. “Đúng là chú thích ăn chứ không sành ăn thật”, ông anh tôi tinh quái khi thấy tôi bới cơm liền tay.

Tôi lại học thêm được một điều nữa là canh bầu kiểu Huế phải ăn chung với ớt xanh và chén nước mắm. Có lẽ cái món bình dân này dễ ăn dễ nấu nên cũng dễ biến hóa thành nhiều kiểu khác nhau nhưng vẫn ngon như nhau. Ăn xong, anh bày nước mát ra rồi kể tôi nghe một câu chuyện thú vị về canh bầu. Có một anh nhà nghèo ăn uống không lấy gì làm sang nhưng hễ gặp người là khoe rằng mình chỉ ăn toàn cao lương mỹ vị. Một hôm có cô gái đi ngang nhà, thấy anh này chỉ ăn mỗi món canh bầu thì hỏi: “Tưởng anh chỉ ăn toàn cao lương mỹ vị thôi chứ, hóa ra anh cũng ăn món bình dân này à?”. Anh nọ bình tĩnh, rung đùi mà đáp rằng:

“Tôi ăn thịt gà, thịt vịt, thịt bồ câu

Trưa hè nóng nực, ăn bát canh bầu cho mát chân răng”.

Không ngờ, cái món canh bầu bình dân này lại ẩn chưa bao điều thú vị đến vậy. Chắc tuần sau tôi lại ghé nhà ông anh lần nữa rồi.

Theo Món ngon Việt Nam

Món ngon quê nhà

Nhớ sứa quê

Nhớ sứa quêMiền Trung, mùa nóng, gió nam bụi mịt mù làm người khô rốc. Cảm giác muốn ăn thứ gì man mát. Lại nhớ đến món sứa. Nhiều nơi có sứa, nhưng sao vẫn thèm những mùa sứa ở quê nhà - Bình Định và món sứa của mẹ quê...

Sứa bóp gỏi phải là sứa có chân, màu trong xanh, tức sứa mới vớt lên tươi rói. Ngâm sứa trong nước với chuối chát xắt mỏng, để sứa săn lại, ít ra nước. Sửa soạn các thứ rau ăn kèm là các loại rau thơm, chuối chát, khế, xoài… và "chế" một chén mắm thật ngon. Rang đậu phộng, giã dập dập và phi hành với dầu ăn cho thật vàng. "Phụ tùng" xong xuôi, trộn chung tất cả những thứ ấy thật đều, rồi rưới mắm và nêm nếm cho vừa miệng

Người miền Trung có thói quen trong mâm ăn thường phải có bánh tráng. Bánh tráng mỏng để nhúng cuốn hoặc bánh tráng dày để nướng. Món gỏi sứa lại càng không thể thiếu loại bánh tráng làm bằng gạo nguyên chất, có mè, mới nướng lên nghe thơm rực. Bánh tráng bẻ ra thay cho muỗng xúc sứa. Có như thế mới thưởng thức hết cái sần sật, mát mát của sứa hoà vị thơm của rau, chát chát của chuối, chua chua của xoài, cay cay của ớt, cái beo béo của dầu ăn… tạo nên một sự tổng hoà hương vị kỳ tuyệt và nếu có thể khi ăn gỏi sứa không thể thiếu ly rựu gạo quê nhà (nếu có rựu Bàu đá chính hiệu thì còn gì bằng), thứ nước cay nồng khi mới đưa vào đầu lưởi, nhưng lại ngọt nồng vị của men thơm và hạt gạo ngon bởi lắm nhọc nhằn của quê hương. Đi các nơi khác, củng nhiều lần cũng mua sứa về làm gỏi, nhưng sao cứ thấy nhàn nhạt. Tại con sứa hay tại thiếu cảnh quê, cũng chẳng rõ. Có điều, trời oi nồng, lại nhớ quá gỏi sứa quê.

Lê Thanh Thủy sưu tầm và giới thiệu

Nhớ ai?

Ăn gì ở Nha Trang?

Ăn gì ở Nha Trang?Thực khách sành ăn đều tìm đến bánh canh Nha Trang. Bánh ăn kèm chả cá, nước mắm ớt thật cay, hành phi và nước lèo nấu từ xương heo.

Nha Trang nổi tiếng với nhiều nhà hàng và thực đơn hải sản có đến hàng trăm món. Nhiều nhất là món hấp như cá hấp xúc bánh đa ăn kèm rau sống, cua hấp bia, mực hấp gừng, trai hấp lá chanh, hay tôm hấp nước dừa. Tuy nhiên, dân Nha Trang vẫn thích món ăn dân dã hơn là các loại hải sản.




Đầu tiên là món bánh căn, làm từ bột gạo thêm vài thứ khác tùy vào khẩu vị thực khách. Khác với bánh căn Phan Thiết nấu với hải sản, thịt heo và thịt bò; bánh căng Nha Trang chỉ nấu với trứng gà hoặc trứng cút. Thật thú vị khi quan sát đầu bếp làm món này. Bánh thường được ăn với nước mắm cô đặc và xoài băm nhỏ.




Thực khách sành ăn đều tìm đến bánh canh Nha Trang. Bánh ăn kèm chả cá, nước mắm ớt thật cay, hành phi và nước lèo nấu từ xương heo.



Bánh ướt cũng ngon lắm. Đầu bếp pha loãng bột gạo rồi tráng trên nồi hơi vải bịt kín. Khi bánh chín, dùng đũa dẹt lấy bánh ra. Cầu kỳ hơn, nhiều người còn cho thêm đậu xanh làm nhân bánh. Bánh ướt ăn với nước mắm chua ngọt và chợ Thành (thị trấn Diên Khánh) có nhiều quán bánh ướt rất ngon.


Du khách đến Nha Trang nên nếm thử các loại bánh nếp nhân đậu từ người bán quà dạo. Bánh thường được gói bằng lá chuối.

Bánh bèo chén, thêm nhúm hành phi và thịt heo băm nhỏ và bún bò Huế cũng từng vang danh ở Nha Trang.


Ngắm nhìn bãi biển dài hoang sơ, những ngọn núi cao ẩn hiện sau mây trời, những ngôi chùa xưa cổ kính, sau đó là thưởng thức món đặc sản, sản vật địa phương. Còn gì thú vị hơn!

Thúy Vy/SaigonTimes
Trúc Ly chuyển ngữ
Lê Thanh Thủy sưu tầm và giới thiệu